Phẩm Đón Tiệm

 Chinese | Vietnamese

KINH PHÁP BẢO ÐÀN

Lược Giảng

 (Đại Lão Hòa Thượng thượng Tuyên hạ Hóa giảng thuật tại Vạn Phật Thánh ThànhCalifornia, Hoa Kỳ)

 


book Phẩm Ðốn Tiệm Ðệ Bát


 

Ðốn là lập tức hiểu rõ sáng suốt, hiểu rõ một cái lý. Lý tức đốn ngộ, sự cần tiệm tu, tu hành cần ngày này qua ngày kia tu hành, ngộ chỉ là ngộ cái lý, cho đến chứng quả vẫn là tự mình tu hành.

 

Lúc Tổ Sư ở chùa Bảo Lâm tại Tào Khê, thì Thần Tú Ðại sư ở Chùa Ngọc Tuyền tại Kinh Nam. Bấy giờ cả hai phái đều diễn hóa rất thạnh hành, người đều gọi là Nam Năng Bắc Tú, cho nên mới có phân hai phái Ðốn và Tiệm ở phương Nam và phương Bắc. Nhưng người học đạo chưa biết được cái tông thú.

Tổ Sư mới gọi đại chúng mà bảo rằng: "Pháp vốn là một tông, còn người thì có Nam và Bắc. Pháp tức là một thứ, còn chỗ thấy thì có mau chậm. Pháp không có mau chậm. Bởi con người có tánh sáng tối, cho nên mới gọi là mau chậm.

 

Giảng:

Lúc đó Lục Tổ Ðại sư ở chùa Nam Hoa trên núi Bảo Lâm Tào Khê, hoằng dương pháp môn đốn giáo. Ðại sư Thần Tú tức là đồ đệ của Ngũ Tổ, đã từng muốn làm Tổ Sư, lòng ham muốn làm Tổ Sư thật làm hại chết người. Người thông minh như thế, lại đoạn không được cái lòng ham muốn làm Tổ Sư. Lúc đó Ðại sư Thần Tú ở Chùa Ngọc Tuyền ở Hình Châu, Hồ Bắc. Lúc đó có sự chia phân giữa Nam tông, Bắc tông. Nam tông giảng đốn pháp, Bắc tông giảng tiệm pháp, hai tông giáo hóa thạnh hành. Môn hạ Lục Tổ Ðại sư có mấy ngàn người, môn hạ Thần Tú có mấy vạn người, vì Thần Tú vốn có mấy trăm người đi theo mình, sau đó càng ngày càng đông, cho nên thạnh hơn Nam tông. Nhưng mọi người đều biết Nam tông là người kế thừa y bát của Ngũ Tổ, Thần Tú tuy có học vấn, nhưng Ngũ Tổ Ðại sư không truyền y bát cho Ngài, cho nên đương thời người ta xưng "Nam Năng Bắc Tú." Nam phương là Huệ Năng Ðại sư, Bắc phương là Thần Tú Ðại sư, cho nên có Nam tông và Bắc tông chia ra đốn và tiệm. Ðệ tử Thần Tú ủng hộ Thần Tú làm Tổ Sư đời thứ sáu, mà thường là danh bất chánh, ngôn bất thuận vì lại có Lục Tổ Huệ Năng ở đó. Vì thế nên thường phái người đến giết Ngài, để sau này độc xưng Tổ Sư đời thứ sáu.

Những người tham thiền học đạo không biết đâu là đúng. Lục Tổ Ðại sư thì không biết chữ, có lúc giảng đạo lý và kinh văn không tương hợp. Còn Bắc phương Thần Tú Ðại sư ở dưới tòa Ngũ Tổ đã từng làm giáo thọ sư, rất có học vấn, nhưng Ngài không có trực tiếp được y bát, cho nên học nhân không biết phải theo vị nào học mới đúng.

Vì thế Lục Tổ Ðại sư khai thị đại chúng:

– Pháp vốn chỉ có một tông chỉ, không có hai, mà người lại có Bắc Nam. Pháp vốn chỉ có một, không có nhiều, đó là pháp môn bất nhị. Mà kiến giải của người có nhanh có chậm. Cái gì gọi là đốn tiệm? Pháp vốn không có đốn tiệm nhưng người lại có thông minh, ngu si, lợi căn, độn căn, cho nên đốn tiệm này vì người mà lập.

 

Song các môn đồ của Thần Tú thường chê Tổ Sư phái Nam tông là dốt, không biết một chữ, có chỗ nào hay đâu!

Sư Thần Tú bảo chúng rằng: "Lục Tổ người đặng cái trí vô sư, thâm ngộ pháp thượng thừa, ta đây chẳng bằng người vậy. Vã thầy ta là Ngũ Tổ đích thân truyền y bát cho người, há phải là việc vô cớ sao? Ta tiếc vì không đi xa được để gần gũi với Người, nên phải đành chịu ân huệ của vua. Các ngươi chớ trì trệ ở đây, khá qua Tào Khê viếng Lục Tổ mà nghe lời khẩu quyết."

 

Giảng:

Nhưng mà đệ tử Thần Tú thường chê cười Nam tông Tổ Sư nói:

– Cái ông Tổ Sư đó một chữ cũng không biết, ông ta mà có năng lực gì? Tổ Sư? Thật là đáng cười vô cùng, làm sao có chuyện này được, buồn cười quá, một chữ cũng không biết thì làm sao có thể làm Tổ Sư được?

Vô hình trung chính là khinh thị Lục Tổ. Không những không biết Anh, ngay tiếng Tàu cũng không hiểu, ông xem vị Tổ Sư này đáng thương hay không? Những người nói những lời đó là đồ đệ của Thần Tú, thường trước mặt Thần Tú nói như thế.

Thần Tú nghe xong liền nói:

– Các ông không nên nói như vậy. Ðại sư Huệ Năng là người khai ngộ, đắc vô sư trí huệ, thông ngộ tối thượng nhất thừa, tôi thật chưa có khai ngộ trí huệ này. Tôi chắc chắn không bằng Huệ Năng. Huống chi ông ta được Tổ Sư đời thứ năm của tôi thân truyền y bát, là người thừa kế pháp môn dùng tâm ấn tâm, đây không phải ngẫu nhiên, mà là việc rất khó khăn. Tôi giận mình không thể tự mình đi đến đó thân cận Lục Tổ Ðại sư, theo Lục Tổ học Phật pháp. Tuy triều đình phong tôi làm Quốc sư (mười đại đệ tử dưới tòa Ngũ Tổ, được Vũ Tắc Thiên thỉnh mời cúng dường). Nhưng các ông không nên trì trệ ở chỗ tôi, mà hãy đến Tào Khê theo Lục Tổ tu học.

 

Một ngày kia Sư Thần Tú bảo đồ đệ là Chí Thành: "Ngươi thông minh đa trí, khá vì ta đến Tào Khê mà nghe pháp. Nếu nghe đặng chỗ nào, hãy hết lòng nhớ lấy, rồi trở về nói lại cho ta rõ."

Chí Thành vâng mạng đến Tào Khê, nhập theo đại chúng đến viếng và cầu dạy, nhưng chẳng nói ở đâu lại. Khi ấy Tổ Sư bảo chúng nhơn rằng: "Nay có kẻ trộm pháp ẩn tại hội này."

Chí Thành liền bước ra làm lễ, và bày hết các việc của Thần Tú dặn.

Sư rằng: "Ngươi ở chùa Ngọc Tuyền đến, lẽ ưng là do thám?"

Ðáp: "Chẳng phải vậy."

Sư nói: "Sao đặng gọi là chẳng phải?"

Ðáp: "Chưa nói ra thì phải như thế, nhưng nói ra rồi thì chẳng phải vậy."

 

Giảng:

Thần Tú Ðại sư cố ý thử thách đồ đệ của mình cho nên mới nói:

– Lục Tổ có đạo đức hơn tôi.

Nếu những môn đồ này có lòng tin đối với tôi, thì dù cho Lục Tổ thiệt có đạo đức đi nữa cũng sẽ không bỏ đi; nếu họ không có chân tâm, tôi nói như thế họ sẽ bỏ đi. Vì thế Thần Tú giả ý nói như vầy:

–Các ông không nên ở đây nữa, hãy đến Tào Khê theo Lục Tổ mà tu học.

Tuy nhiên, những người đồ đệ này đều biết sư phụ của họ không muốn họ bỏ đi, vì thế không có ai rời bỏ. Nhưng Thần Tú lại muốn biết Lục Tổ Ðại sư giảng pháp môn gì, cho nên ngày kia liền phái một vị gián điệp – là đồ đệ Chí Thành mà ông rất ưa thích, nói với Chí Thành:

– Con rất thông minh lại có trí huệ, con thay thầy đi đến Tào Khê thính pháp. Vì Lục Tổ Ðại sư biết thầy, nếu thầy đi, Lục Tổ Ðại sư sẽ không giảng Phật pháp. Con đến đó nghe biết đạo lý gì thì ghi chép không bỏ sót một chữ nào để về đọc cho thầy nghe.

Giống như ba tuần trước có vị Pháp sư kia phái người đến đây cũng giống như vậy. Chí Thành nhận sứ mệnh của Ðại sư Thần Tú liền đến Tào Khê, theo đại chúng khấu đầu đảnh lễ thỉnh Lục Tổ Ðại sư khai thị, nhưng Chí Thành không nói từ đâu đến, không tiết lộ mình từ chỗ Ðại sư Thần Tú đến.

Ngay lúc đó, Lục Tổ Ðại sư nói với đại chúng:

– Nay ở đây có một người trộm pháp, mọi người nên để ý một chút, người đó đang núp trong đại chúng!

Chí Thành nghe vậy liền đi ra đảnh lễ, thẳng thắn bạch rằng:

– Con chính là người trộm pháp, con từ chỗ Ðại sư Thần Tú đến đây.

Lục Tổ Ðại sư nói:

–Ông từ chùa Ngọc Tuyền đến, chính là gián điệp.

Chí Thành trả lời:

– Con không phải là gián điệp.

Lục Tổ Ðại sư hỏi:

– Tại sao ông không phải là gián điệp?

Chí Thành trả lời:

– Lúc chưa nói rõ con là ai, con là gián điệp, nay con đã thẳng thắn phát lồ sám hối cho nên không phải.

 

Sư nói: "Thầy ngươi dạy chúng môn nhơn như thế nào?"

Ðáp: "Thường chỉ dạy đại chúng trụ tâm quán tịnh, ngồi mãi không nằm."

Sư nói: "Trụ tâm quán tịnh, ấy là bịnh, chẳng phải thiền. Thường ngồi là câu thúc cái thân, đối với Ðạo-lý có lợi ích chi đâu?

Hãy nghe ta kệ:

Khi sống ngồi không nằm,

Thác rồi nằm chẳng ngồi.

Thiệt đồ xương thịt thúi,

Sao luống lập công phu?"

 

Giảng:

Lúc đó Lục Tổ Ðại sư hỏi Chí Thành:

– Sư phụ ông bình thời dạy đại chúng cái gì?

Chí Thành ứng đối:

– Sư phụ con thường chỉ thị đại chúng, cần phải trụ tâm vào một chỗ mà quán tịnh, mọi người thường ngồi không ngủ.

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Chú tâm quán tịnh là bệnh, là bệnh dụng công, không phải thiền. Còn thường ngồi ngược lại câu thúc thân thể mình không được tự do, thì đối với đạo lý có lợi ích gì?

Người tu đạo lúc ngủ thì ngủ, lúc ăn thì ăn, không nên câu thúc thân này. Thần Tú Ðại sư chỉ dạy người dụng công phu trong cái túi da thúi này, mà không biết dụng công trên tự tánh, cho nên đó là "bệnh"; nếu Thần Tú Ðại sư biết dụng công trên tự tánh thì không có bệnh. Lục Tổ Ðại sư thì dụng công trên tự tánh nên không có bệnh. Lục Tổ Ðại sư dụng công trên tự tánh, dụng công một cách tự nhiên. Cho nên Lục Tổ Ðại sư nói kệ:

– Lúc sanh, ngồi không nằm, sau khi chết thì nằm một chỗ không thể ngồi được, thân này là một bộ xương thúi, tứ đại giả hợp mà thành, tại sao ông ở trong túi da thúi này mà dụng công phu? Tại sao không ở trên tự tánh mà dụng công phu?

Cho nên nói: "Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm." Mà Thần Tú Ðại sư dạy người trụ tâm quán tịnh, đó là chấp tướng, ngược với tông chỉ Kinh Kim Cang, cho nên Lục Tổ Ðại sư phá trừ khuyết điểm chấp trước của ông ta.

Ðại sư Thần Tú dạy người trụ tâm quán tịnh mà Lục Tổ Ðại sư nói đây là bệnh. Ngồi không nằm, đây là buộc trói thân không phải đạo lý thiền. Kỳ thực, nếu quý vị có thể trụ tâm quán tịnh, lâu dài cũng có chỗ thành tựu, tuy nói không được tự do, nhưng đối với thân tâm có sự ích lợi. Nhưng Lục Tổ Ðại sư tại sao lại nói đó không đúng? Vì Chí Thành từ chỗ Thần Tú Ðại sư đến đây, Lục Tổ Ðại sư cần phải phá trừ chấp trước của Chí Thành, sau đó mới có thể truyền thọ Phật pháp chân chánh, vì thế Lục Tổ Ðại sư thuyết mọi đạo lý cho Chí Thành nghe. Ðây là dạy người lúc dụng công không nên chấp trước. Ông không nên có tư tưởng ngồi hoài không nằm, nói đây là dụng công tu hành. Cần phải ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, trụ tâm quán tịnh thì có chỗ chấp trước, chấp trước thì có chướng ngại. Cần phá trừ chấp trước mới có thể khế hợp tự tánh, cho nên Lục Tổ Ðại sư mới giảng như vậy. Chúng ta người thường không nên nói Lục Tổ Ðại sư giảng ngồi hoài không nằm thì không đúng pháp. Chúng ta cần phải ngồi như vậy, song giác ngộ một cách tự nhiên mà không có sự miễn cưỡng, nếu quý vị giác ngộ một cách miễn cưỡng đó không phải là đạo. Dụng công thì cần phải tự do. Có người nói:

– Vậy thì tốt quá. Tự do dụng công, vậy tôi không cần phải giữ gìn giới luật quy củ!

Nói vậy cũng không thể được, quý vị không giữ gìn giới luật, đây là hiểu lầm về tự do. Nếu mọi người ngồi, quý vị lại nằm, lúc mọi người nằm, quý vị lại ngồi, đó chính là không đúng pháp, đó gọi là muốn làm khác người. Giống như trước kia có người đến đây ngồi thiền, lúc mọi người đứng lên kinh hành, anh ta vẫn ngồi đó, ý nói: "Quý vị xem tôi nè, tôi ngồi thiền giỏi hông!" Ðó gọi là xuất chúng không giữ quy củ.

Tóm lại, tu hành dụng công không những phải giữ gìn giới luật thanh quy, mà đối với sự tự do của chính mình, cũng phải giữ gìn giới luật. Ðiểm này mọi người cần phải hiểu rõ.

 

Chí Thành lại làm lễ mà bạch rằng: "Kẻ đệ tử theo ở với Tú Ðại sư, học Ðạo chín năm, mà chẳng đặng tỏ sáng. Nay nghe Hòa Thượng nói một lần, liền tỏ sáng Bổn tâm. Việc sống thác là việc lớn, đệ tử xin Hòa Thượng mở lượng từ bi chỉ dạy."

Sư rằng: "Ta nghe nói thầy ngươi dạy người pháp Giới Ðịnh Huệ, nhưng chưa rõ thầy ngươi nói cái hạnh tướng của Giới Ðịnh Huệ như thế nào, hãy nói cho ta nghe."

Chí Thành bạch: "Tú Ðại sư nói: ‘Các điều dữ chớ làm, gọi là Giới. Các điều lành vâng làm, gọi là Huệ. Giữ ý mình trong sạch, gọi là Ðịnh.’ Thầy tôi dạy như vậy, chưa rõ Hòa Thượng dùng pháp nào mà dạy người?"

Sư nói: "Nếu ta nói có pháp dạy người, tức là nói dối với ngươi. Ta chỉ tùy phương tiện mà giải thoát cho người. Phương tiện ấy giả gọi là Tam-muội. Cứ như chỗ thầy ngươi nói về Giới Ðịnh Huệ thiệt không thể nghĩ bàn được. Nhưng chỗ thấy về Giới Ðịnh Huệ của ta lại khác."

 

Giảng:

Chí Thành đảnh lễ Lục Tổ một lần nữa và bạch rằng:

– Ðệ tử ở chỗ Thần Tú Ðại sư học đạo chín năm.

Các vị ở đây chỉ mới học đạo một năm liền cảm thấy thời gian dài, không xem người xưa đều học mười năm, hai mươi năm, ba mươi năm, dụng công lâu dài như thế, không phải học vài tháng mà có thể tốt nghiệp.

Học chín năm mà vẫn chưa khai ngộ. Nay nghe Hòa Thượng giảng dạy đạo lý giống như nước gặp nước, như sữa hòa sữa, tâm của Lục Tổ Ðại sư giống như tâm của con, tâm của chúng ta vốn giống nhau. Con không biết ngày nào sẽ chết đi, vấn đề sanh tử thật là quan trọng, thỉnh Hòa Thượng Tổ Sư phát đại từ bi giáo hối chỉ dạy cho con.

Lục Tổ Ðại sư nói;

– Ta nghe Thần Tú Ðại sư, sư phụ của ông, truyền dạy pháp giới định huệ, không biết sư phụ của ông giảng hình tướng giới định huệ như thế nào? Ðạo lý của giới định huệ như thế nào nói cho ta nghe.

Chí Thành đáp:

– Chư ác mạc tác gọi là giới. Năng tu nhất thiết thiện pháp đó gọi là huệ. Tự mình thanh tịnh ý niệm đó gọi là định. Thần Tú Ðại sư giảng như thế. Con không biết Hòa Thượng dùng pháp gì chỉ dạy người?

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Ta không có pháp gì hết, nếu nói có một phương pháp giáo hóa người đó là gạt người. Ta chỉ tùy căn cơ người, dùng đủ loại phương tiện cởi mở sự trói buộc của chúng sanh, giải khai chấp trước của chúng sanh, pháp này không có một tên, cho nên tạm đặt cho nó là tam muội – chánh định chánh thọ. Sư phụ ông giảng về giới định huệ thật bất khả tư nghì, nhưng giới định huệ mà ta giảng thì không giống sư phụ ông giảng. Giới định huệ của ta giảng rất đặc biệt.

 

Chí Thành bạch: "Giới Ðịnh Huệ chỉ hiệp có một thứ, thế nào lại khác?"

Sư nói: "Pháp Giới Ðịnh Huệ của thầy ngươi để tiếp độ người đại thừa. Còn pháp Giới Ðịnh Huệ của ta để tiếp độ người tối thượng thừa. Chỗ tỏ hiểu không đồng, chỗ thấy có mau chậm. Ngươi nghe chỗ ta nói với chỗ thầy ngươi nói, có đồng nhau chăng? Chỗ ta nói pháp không lìa tánh mình. Lìa Bổn thể mà nói pháp, là chấp trước tướng mà nói, thế thì tánh mình thường mê. Phải biết muôn pháp đều do tánh mình khởi dụng, thế mới thiệt là pháp Giới Ðịnh Huệ. Hãy nghe ta kệ:

Tâm địa không quấy, thì tánh mình Giới.

Tâm địa không si, thì tánh mình Huệ.

Tâm địa không rối, thì tánh mình Ðịnh.

Không thêm không bớt, mình thành Kim Cang.

Thân tới thân lui, vốn là Tam-muội.

Chí Thành nghe kệ rồi, ăn năn và cảm tạ, và trình một bài kệ rằng:

Năm uẩn huyễn thân này,

Huyễn nào mong cứu cánh.

Xoay lại hướng Chơn-như,

Pháp còn chưa thiệt tịnh.

 

Giảng:

Chí Thành nói:

– Giới định huệ là giới định huệ, chỉ có thể có một cách giảng, tại sao lại có cách giảng đặc biệt?

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Tam vô lậu học giới định huệ mà sư phụ ông thuyết, sư phụ ông tiếp dẫn người có căn cơ đại thừa, tôi giảng giới định huệ là tiếp dẫn tối thượng thừa, người có căn cơ tối cao, cho nên sự khai ngộ và hiểu biết thì không giống nhau. Khai ngộ là thấu triệt đến nơi đến chốn, hiểu là chỉ biết rõ chút chút cho nên kiến giải có đốn có tiệm, có nhanh, có chậm. Ông nghe đạo lý tôi giảng có giống với sư phụ của ông không? Pháp mà tôi nói không phải pháp bên ngoài, không phải ly tự tánh mà thuyết pháp. Ly khai tự tánh mà thuyết pháp, đó gọi là dính mắc tướng, cũng gọi là tướng thuyết. Dính mắc tướng (chấp trước tướng) thì tự tánh thường mê, ly tướng thì tự tánh thường ngộ. Ông nên biết nhất thiết vạn pháp là đều từ tự tánh sanh khởi mà khởi tất cả dụng, ứng biến không cùng, đó mới là chân chánh giới định huệ. Ta nay thuyết một bài kệ cho ông:

 

Tâm địa vô phi (không quấy), tức là không có tham tâm, ác tâm, tật đố tâm, chướng ngại tâm, tổn nhân tâm, lợi kỷ tâm. Tâm địa vô phi chính là tâm địa không có ác. Tâm địa vô phi cũng chính là mọi điều ác không làm, cũng chính là tâm địa không làm những việc sai lầm, đó gọi là giới.

 

Tâm địa vô si (không si), cũng chính là chúng thiện phụng hành, nhưng cái chúng thiện phụng hành này, cùng với Thần Tú Ðại sư thuyết giảng không giống, Thần Tú trên danh tự nói huệ, mà không có đưa ra tự tánh, không có giảng đến tâm địa, tâm giống như miếng đất, ông trồng cái gì liền sanh trưởng cái đó, cho nên ông trồng thiện nhân sẽ kết quả thiện, trồng ác nhân sẽ kết quả ác. Tâm địa ông không gieo hột giống ngu si đó chính là trí huệ.

 

Tâm địa vô loạn (không rối), cũng chính là tự tịnh kỳ ý, cùng với Thần Tú Ðại sư thuyết giảng vốn không sai khác, nhưng danh xưng không giống nhau. Lục Tổ Ðại sư thuyết pháp, đều từ tâm địa nói ra, từ tự tánh thuyết giảng, từ trong tâm thuyết pháp. Thần Tú Ðại sư thuyết pháp đều là pháp bên ngoài, là pháp chấp trước tướng, là ngoài tâm thuyết pháp.

Tự tánh quang minh vô chiếu, có diệu trạm tổng trì, thân mình thì luyện thành thân Kim Cang bất hoại. Thân đến thân lui, tức là trong bốn oai nghi — đi đứng nằm ngồi, thì vốn đều ở trong định.

Chí Thành nghe xong một mặt sám hối, một mặt nói lên lòng tri ân, và trình lên một bài kệ tụng:

Ngũ ấm – sắc, thọ, tưởng, hành, thức – là hư vọng không thực, thân này cũng hư vọng không thực. Thân này vốn do tứ đại – đất, nước, lửa, gió – giả hợp mà thành, cho nên không cần phải xem trọng nó lắm. Tìm áo quần đẹp cho nó mặc, kiếm thức ăn ngon cho nó ăn, xây nhà cửa nguy nga cho nó ở, tìm một người chồng anh tuấn, hoặc người vợ mỹ miều. Cái gì gọi là địa đại? Tức tánh cứng trong thân – da, thịt, gân, cốt thuộc về địa đại. Thủy đại tức là nước mắt, nước mũi, nước miếng, đàm, đại tiểu tiện đều thuộc về nước. Hỏa đại tức khí nóng, sức nóng của thân. Phong đại tức thân thể dao động, hô hấp. Sau khi người chết, tính cứng trong thân thể trở về địa đại, tính ướt trở về thủy đại, tính ấm trở về hỏa đại, tính hô hấp dao động trở về phong đại, mọi thứ đều có chỗ quy về, nhưng quý vị thì quy về chỗ nào? Quý vị không biết! Nay chúng ta học Phật pháp chính là vì muốn biết.

Cái huyễn hóa này thì làm sao mà rốt ráo (cứu cánh) được? Như là quý vị có cái tâm hồi hướng Chân như, thế thì tại sao không đắc được Bổn thể của pháp? Vẫn chưa trở về được cái thanh tịnh? Tại sao vậy? Tại quý vị vẫn có một niệm muốn hồi về Chân như, quý vị vẫn còn có một niệm, thì chưa đắc được Bổn thể của pháp. Cho nên Bổn thể pháp thì không có thủ lấy, cũng không có xả bỏ, không nghĩ thế này, cũng không nghĩ thế kia, chính là nhậm vận mà làm. Nhậm vận chính là tự do làm mà không chấp trước.

 

Sư khen phải, lại nói với Chí Thành rằng: "Pháp Giới Ðịnh Huệ của thầy ngươi là để khuyên các người căn trí nhỏ, còn pháp Giới Ðịnh Huệ của ta để khuyên người căn trí lớn. Nếu mình tỏ sáng tánh mình, thì chẳng lập Bồ đề Niết bàn, cũng chẳng lập Giải thoát tri kiến. Không một pháp nào tìm được ở trong tánh mình thì mới tạo lập được muôn pháp. Nếu hiểu được cái ý chỉ ấy, thì gọi là Phật thân, cũng gọi là Bồ đề Niết bàn, là Giải thoát tri kiến. Người thấy tánh lập ra (muôn pháp) cũng đặng, chẳng lập ra cũng đặng. Ði lại tự do, không ngừng không ngại, phải chỗ dùng thì tùy cơ mà làm, phải chỗ nói thì tùy cơ mà đáp, hiện khắp hóa thân mà chẳng lìa tánh mình, tức là đặng Tự tại thần thông, Du hý tam muội. Ấy gọi là thấy tánh."

 

Giảng:

Lục Tổ Ðại sư ấn chứng cho Chí Thành rằng:

– Tốt lắm, kiến giải của ông đúng lắm!

Lại nói với Chí Thành:

– Sư phụ của ông giảng giới định huệ là khuyên người có tiểu trí tiểu căn. Ta giảng giới định huệ là khuyên người có đại căn đại trí. Nếu ông hiểu rõ tự tánh, ngay Bồ đề Niết bàn cũng không có, cũng không có cái gì gọi là giải thoát, cũng không có cái gì gọi là tri kiến, đều không có, đều không không, một pháp không lập, vạn pháp đều không. Vì một pháp không lập cho nên mới có thể kiến lập vạn pháp. Tuy nói một pháp không có nhưng vạn pháp hiển hiện rõ ràng trước mắt. Tuy vạn pháp rõ ràng tồn tại, nhưng vẫn là một pháp không lập. Ông nên hiểu rõ đạo lý này, đó gọi là Phật thân, ngay đó lập tức thành Phật. Nếu ông hiểu rõ pháp này, cũng có thể gọi là Bồ đề Niết bàn, cũng có thể đặt cho một tên là Giải thoát tri kiến, ông gọi nó tên gì cũng được, nhưng ông cần hiểu rõ, nếu ông không hiểu rõ, thì ông gọi nó tên gì cũng đều không thể được.

Người chân chánh khai ngộ, minh tâm kiến tánh, dựng lập pháp cũng được, không dựng lập pháp cũng xong, không chướng không ngại, quý vị muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, đây chỉ cho sanh tử tự do, cho nên tôi thường nói với quý vị: "Everything is OK!" (Mọi chuyện đều hanh thông, không có vấn đề gì cả!)

Ðó chính là đến đi như ý, một chút phiền phức cũng không có, không trì trệ, không chướng ngại. Mình muốn đi thì không ai có thể lưu giữ được, không ai có thể ngăn cản được. Sự đến thì ứng, sự đi thì tịnh. Nếu có người hỏi, thì tùy ý trả lời mà không phải suy nghĩ. Nhưng cần phải trả lời đúng đạo lý, không nên nói bậy, không hợp lô-gích. Lúc đó, khắp nơi đều có hóa thân, nhưng tất cả hóa thân đều không rời tự tánh, vậy thì mọi nơi mọi lúc đều đắc được Quán Tự Tại, và Lục thông – thiên nhã thông, thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông, thần túc thông, lậu tận thông, được Du hý tam muội, đại chúng thích cái gì, thì làm cái đó, dạo chơi khắp nơi. Mình cũng ca hát, nhưng không giống như người ta ca hát, mình cũng ăn cơm nhưng không giống như những người ta ăn cơm. Cùng mọi người ăn cơm, mình ăn hết sạch cơm và thức ăn, mọi người thấy mình ăn sạch, nhưng cơm canh vẫn còn nguyên trong nhà bếp, còn nguyên chưa động đến. Ðó chính là Du hý tam muội, đó gọi là kiến tánh.

 

Chí Thành lại bạch: Cái nghĩa chẳng lập là sao?"

Sư nói: "Tánh mình không quấy, không si mê, không loạn động, niệm niệm trí huệ thường soi, thường lìa pháp tướng, tự do tự tại, dọc ngang đều ứng đối đặng cả, thì có pháp nào mà đặng lập? Tánh mình tự tỏ sáng, tỏ liền tu liền, cũng không lần lượt theo thứ lớp. Sở dĩ nên chẳng lập cả thảy các pháp. Các pháp đều vắng lặng, thì có gì là thứ lớp?"

Chí Thành làm lễ, nguyện theo hầu hạ Tổ Sư, sớm tối không bê trể.

 

Giảng:

Chí Thành nghe Lục Tổ Ðại sư giảng nghĩa lý huyền diệu như thế, lại bạch Tổ Sư:

– Cái gì gọi là pháp không lập, ý nghĩa như thế nào?

Lục Tổ Ðại sư trả lời:

– Trong tự tánh ông không có một việc sai lầm, không có tất cả ác, không có tất cả chướng ngại, không mê loạn, không điên đảo, niệm niệm đều là trí huệ, thường sanh trí huệ. Cho nên Lục Tổ Ðại sư nói: "Nào dè tự tánh thường sanh trí huệ." Như vậy thì mới có thể xa lìa tất cả các tướng mà không chấp trước, lúc này tự do, tự tại, tung hoành vô ngại. Tung, ông nhảy về phía trước cũng được; hoành, ông muốn đi ngang cũng được. Ông muốn lên trời thì lên trời, xuống đất thì xuống đất, đó chính là tung. Hoành, tức ông muốn đến Thế giới Cực lạc Tây phương, thế giới Lưu Ly Ðông phương, đều tùy theo sở thích của ông. Tuy nhiên, bất cứ ông làm cái gì cũng đều phù hợp Phật pháp. Ðược như thế, thì lại có còn cái gì có thể lập nữa? Cho nên ta nói một pháp cũng không lập.

Tự tánh của ông cần phải do ông tự ngộ, ông tức khắc ngộ thì có thể lập tức tu, không cần phải từng bước từng bước tiệm thứ tu học. Cho nên ta mới nói không lập tất cả pháp, nhất thiết pháp đều không, chư pháp đều là tịch diệt tướng, lại có thứ tự nào có thể nói ra được? Sao có thể nói ra đệ nhất, đệ nhị được?

Pháp sư Chí Thành sau khi nghe Lục Tổ Ðại sư khai thị, khấu đầu đảnh lễ. Kẻ gián điệp này đã bỏ tối nương vào chỗ sáng, cải tà quy chánh. Chí Thành nguyện làm thị giả của Lục Tổ Ðại sư, làm mọi việc lao tác tạp dịch; bảo làm gì thì làm cái đó, từ sớm đến tối làm những việc nặng nhọc mà không giải đãi. Vì Chí Thành biết Lục Tổ, ban đầu cũng do làm việc nặng nhọc mà đắc đạo làm Tổ Sư, nay tôi lại hầu hạ Người cũng cần phải siêng năng không được làm biếng.

Ðoạn trước nói về Ðại sư Thần Tú phái người đặc vụ đi trộm pháp. Ðời Ðường Phật giáo ở Trung Hoa đã phức tạp như thế, có một số người có tâm bất chánh như vậy, muốn trộm Phật pháp. Ðoạn sau đây thì kể về đồ đảng Thần Tú phái một thích khách đi ám sát Lục Tổ.

 

Thầy Tăng pháp danh Chí Triệt, người ở Giang Tây, họ Trương, tên Hành Xương, lúc còn trẻ là một hiệp khách.

Từ khi Nam Bắc chia rẽ việc hóa độ, hai vị tông chủ tuy không phân nhơn ngã, nhưng các tông đồ cùng tăng tử của hai phái thường cạnh tranh và sanh lòng yêu ghét nhau. Lúc bấy giờ môn nhơn phái Bắc Tông tôn Sư Thần Tú làm Tổ thứ sáu, nhưng còn hiềm Tổ Sư vì đặng truyền y làm cho thiên hạ đều hay, nên sai Hành Xương đến thích khách Ðại sư. Ðại sư tâm thông, biết trước việc ấy, liền lấy mười lượng vàng để sẵn nơi chỗ ngồi. Lúc đêm khuya Hành Xương vào phòng của Tổ và toan muốn làm hại. Ðại sư đưa ngay cổ ra cho chém ba lần, mà không phạm chỗ nào cả.

 

Giảng:

Có một vị Tăng pháp danh Chí Triệt, đây là sau khi xuất gia quy y Lục Tổ Ðại sư, Lục Tổ Ðại sư đặt pháp danh cho. Chí Triệt, người Giang Tây, họ Trương, tên gọi là Hành Xương. Lúc còn trẻ thích làm những việc hành hiệp trượng nghĩa – cướp của nhà giàu cho nhà nghèo, trên đường gặp chuyện bất bình liền rút đao giúp đỡ. Ông biết khinh công và võ nghệ rất giỏi. Ðồ đệ Thần Tú liền thuê Hành Xương đến sát hại Lục Tổ Ðại sư.

Từ khi có sự phân hóa thành hai tông phái Nam đốn Bắc tiệm, Nam Năng Bắc Tú, hai vị tông chủ tức Lục Tổ Ðại sư và Thần Tú Ðại sư, tuy không có quan niệm nhân tướng ngã tướng, nhưng đồ đệ của các Ngài (ở đây là chỉ đồ đệ của Thần Tú Ðại sư), tranh nhau khởi lòng thương ghét, giống như đoạn trên giảng về việc họ chê cười Lục Tổ Ðại sư không biết chữ sao có thể làm Tổ Sư, phỉ báng Lục Tổ Ðại sư như thế. Dưới tòa Lục Tổ Ðại sư cũng có đệ tử chân thành, nói Lục Tổ Ðại sư đã đắc trí vô sư, các ông không nên hủy báng sư phụ của tôi, vì thế chúng đệ tử cùng nhau công kích. Nhưng đồ chúng của Lục Tổ Ðại sư không có nghĩ thích khách Thần Tú Ðại sư, mà đồ chúng Thần Tú lại ganh ghét Lục Tổ Ðại sư là người kế thừa y bát của Ngũ Tổ. Tôi tin tưởng câu "Tranh nhau khởi lòng thương ghét" ở đây, chỉ cho phái Thần Tú Ðại sư bên kia thì lợi hại hơn một chút. Lục Tổ Ðại sư bên này thì nhẫn nại vượt qua sự ghét bỏ.

Lúc đó đệ tử Bắc tông có mấy ngàn người, tự đưa Thần Tú lên làm Tổ Sư. Thần Tú tuy không có y bát, nhưng đệ tử của Ngài đưa Ngài làm Tổ Sư đời thứ sáu. Tại sao lại đưa sư phụ của họ làm Tổ Sư đời thứ sáu? Vì trong số họ có người muốn làm Tổ Sư đời thứ bảy. Nếu không có đời thứ sáu, thì đời thứ bảy từ đâu sanh ra? Nhưng lại úy kỵ không dám công khai nói trong chùa. Vì thiên hạ đã biết y bát đã truyền cho Lục Tổ Huệ Năng Ðại sư, cho nên thuê Hành Xương đến ám sát Lục Tổ Ðại sư, muốn đoạt y bát của Tổ. Lúc đó Hành Xương võ nghệ cao cường, người ta đặt cho biệt hiệu "phi miêu," hành tung Hành Xương quỷ dị, không ai biết được. Tin tức này quý vị ở sách nào cũng tìm không ra, trừ phi quý vị ở trong tình cảnh đương thời mới biết Hành Xương có biệt hiệu như thế. Quý vị xem lúc trước họ phái người đi phóng hỏa, nay lại phái một kẻ thích khách. Tại sao họ lại muốn giết Lục Tổ Huệ Năng ? Bởi vì sau khi giết Ngài, thì có thể công nhiên đưa Thần Tú Ðại sư lên làm Lục Tổ. Tại Phật Giáo Giảng Ðường có một người vốn cũng có tha tâm thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, nhưng vì người này lòng tham không nhỏ, thường muốn chứng tứ quả A la hán, muốn phi hành tự tại. Người nầy đã nhiều lần thỉnh cầu tôi dạy cho pháp thuật phi thân. Tôi nói: "Ông học pháp thuật này có ích dụng gì?" Ông ta nói: "Ðể đi Ðài Loan thọ giới mà không cần vé máy bay." Vì ông ta tham chứng quả, tham thần thông cho nên trí huệ chân chánh chưa có hiện tiền.

Lục Tổ Ðại sư lúc đó cũng có tha tâm thông, đã biết trước âm mưu giết người của họ, Ngài dự bị mười lượng vàng để bên cạnh chỗ ngồi của Ngài. Quý vị nghĩ xem tình hình lúc đó hết sức nguy hiểm, hết sức căng thẳng không? Ðêm đến, vào khoảng giữa khuya, Phi miêu họ Trương đến nơi, tay chân không một tiếng động, đến liêu phòng của Lục Tổ, đến trước chỗ Ngài ngồi. Ngay lúc hươi gươm chém xuống, Lục Tổ Ðại sư liền giơ cổ cho Hành Xương chém vào. Lúc này Hành Xương không kể Ngài là Hòa Thượng, A La Hán, Tổ Sư hay là gì gì đi nữa, Hành Xương đều giết bởi vì Hành Xương chỉ chứa lòng sát, bởi vì muốn hoàn thành sứ mệnh của đồ chúng Thần Tú giao cho. Quý vị nghĩ xem lúc này có căng thẳng không? Căng thẳng giống như lúc bom nguyên tử sắp nổ vậy! Hành Xương tay cầm gươm báu, dùng hết sức mạnh chém vào cổ Lục Tổ Ðại sư ba nhát, nhưng Lục Tổ không một chút trầy trụa!

 

Sư nói: "Gươm chánh không dùng vào việc tà, gươm tà không dùng vào việc chánh được. Ta chỉ thiếu ngươi vàng, chớ chẳng nợ ngươi mạng." Hành Xương hoảng kinh ngã ngửa, hồi lâu mới tỉnh lại, bèn cầu khẩn ăn năn tội lỗi và liền nguyện xuất gia.

Sư lấy vàng cho và nói: "Ngươi hãy đi, sợ e đồ chúng hại ngươi. Một ngày kia ngươi khá đổi hình dạng, rồi đến đây, ta sẽ nhận và độ ngươi." Hành Xương vâng theo ý Ðại sư, đêm ấy trốn đi. Sau Hành Xương xuất gia làm Tăng, thọ Cụ túc giới, và tu hành rất tinh tấn.

 

Giảng:

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Chánh kiếm tức chánh pháp, không sợ tà pháp, mà tà pháp thì không thể thắng được chánh pháp. Cho nên nói "tà không thể thắng chánh." Ông tuy có gươm báu nhưng cũng không thể làm gì được tôi. Kiếp trước tôi chỉ thiếu ông mười lượng vàng, nhưng tôi không có thiếu ông sanh mạng.

Phi miêu họ Trương nghe Lục Tổ Ðại sư nói với mình như thế, lại nữa đã chém ba nhát mà chém không đứt cổ Lục Tổ đã sợ hết hồn hết vía, ngất xỉu một hồi lâu mới tỉnh lại. Tỉnh lại, Phi miêu Hành Xương cầu xin sám hối:

– Bạch Ðại sư con thật có lỗi với Ngài, con thật có tội!

Lúc đó Lục Tổ Ðại sư nói chuyện với Hành Xương rất lâu, hỏi Hành Xương rằng:

– Tại sao ông lại đến đây làm những việc như thế?

Hành Xương trả lời:

– Không phải con muốn giết Ngài mà là đồ đệ Thần Tú nói Ngài là kẻ xấu xa nhất, lúc trước làm ăn cướp, lại săn bắn, là người nghèo lên núi đốn củi, nay đến chỗ này mạo danh làm Tổ Sư, cho nên con nghe nói có người xấu ác như thế nhất định cần phải giết người đó đi. Nhưng nay gươm báu của con chém không đứt cổ của Ngài con mới biết họ đều sai lầm. Nếu Ðại sư không có đạo đức, bằng vào kiếm pháp của con nhanh như vậy làm sao chém không đứt đầu Ngài? Cho nên Ngài nhất định là vị cao Tăng có đức hạnh, con nay được gặp Thiện tri thức Ðại đức Cao Tăng, lại nữa con nhìn thấy cuộc đời này không có ý nghĩa gì cho nên con muốn theo Ðại sư xuất gia, bái Ngài làm Thầy.

Lục Tổ Ðại sư đưa mười lượng vàng đã chuẩn bị sẵn cho Hành Xương nói:

– Con nên nhanh chóng rời khỏi nơi này, đồ đệ của ta đều ái hộ thầy mình. Nếu biết con đến giết ta, họ nhất định sẽ giết con. Qua vài ngày khi con cải trang xong (tức kêu Hành Xương đến chỗ khác xuất gia làm Tăng, dùng thân phận người xuất gia đến gặp Lục Tổ), thầy nhất định sẽ nhiếp thọ và chỉ dạy con.

Phi miêu họ Trương nghe Lục Tổ Ðại sư nói như thế, liền ngay trong đêm đó chạy trốn, giấu kín tên tuổi. Sau đó Hành Xương theo một vị Hòa Thượng xuất gia, tu học rất tinh tấn không giải đãi.

 

Một ngày kia nhớ lời Ðại sư dạy, Hành Xương từ phương xa đến làm lễ ra mắt Ngài.

Sư nói: "Ta có lòng nhớ ông đã lâu, sao ông tới muộn?"

Bạch: "Ngày trước nhờ ơn Hòa Thượng tha tội, nay tuy xuất gia khổ hạnh, nhưng sau này ắt khó trả được cái ân đức ấy, chỉ mong Tổ Sư truyền pháp để độ chúng sanh mà thôi.

Ðệ tử thường xem Kinh Niết Bàn mà chưa hiểu cái nghĩa Thường và Vô thường, xin Hòa Thượng từ bi lược giải cho."

 

Giảng:

Một ngày nọ Hành Xương nhớ lại lời Lục Tổ Ðại sư kêu mình thay đổi hình dáng mà đến thì sẽ nhiếp thọ, vì thế từ xa xôi đến Chùa Nam Hoa bái kiến Lục Tổ Ðại sư.

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Tôi mỗi ngày đều nhớ đến ông, sao ông đến trễ thế?

Hành Xương trả lời:

– Trước kia mông ơn Hòa Thượng không trách tội. Nay con tuy xuất gia tu khổ hạnh, nhưng vẫn cảm thấy khó báo đáp ân đức của Hòa Thượng, chỉ có một cách là truyền thừa Phật pháp, giáo hóa chúng sanh, chỉ có làm như thế mới có thể báo đáp được đại ân của Hòa Thượng. Ðệ tử thường xem Kinh Niết Bàn, nhưng không hiểu đạo lý thường và vô thường, khẩn cầu Hòa Thượng phát đại từ bi vì con mà giải thuyết.

 

Sư nói: "Vô thường tức là Phật tánh. Hữu thường tức là cái tâm phân biệt cả thảy các pháp thiện ác vậy."

Bạch: "Chỗ Hòa Thượng nói rất trái với kinh văn."

Sư nói: "Ta truyền cái tâm ấn của Phật, đâu dám nói trái với kinh Phật!"

Bạch: "Kinh nói Phật tánh là thường, Hòa Thượng nói là vô thường. Các pháp thiện ác cho đến cái tâm Bồ-đề đều là vô thường, Hòa Thượng lại nói thường. Mấy lời ấy trái nghịch nhau, khiến kẻ học (Ðạo) nầy thêm nghi hoặc."

Sư nói: "Kinh Niết Bàn, xưa kia ta nghe Tỳ-kheo-ni Vô Tận Tạng đọc qua một biến, thì có giảng thuyết cho người nghe. Chỗ ta nói không có một chữ, một nghĩa nào mà chẳng hiệp với kinh văn. Nay ta giảng cho ông nghe, thì cũng nói toàn một nghĩa không hai."

Bạch: "Kẻ học này, sức hiểu biết còn cạn tối, xin Hòa Thượng chỉ dạy châu đáo."

Sư nói: "Ngươi biết chăng, nếu Phật tánh là thường, thì nói làm chi các pháp thiện ác, lại sao đến cùng kiếp, không có một người phát Bồ-đề tâm? Cho nên ta nói là vô thường, mà chính Phật nói là đạo Chơn-thường. Lại nếu các pháp là vô thường, tức vật vật đều có tự tánh, gồm chịu sự sống chết, mà cái tánh Chơn-thường có chỗ chẳng biến khắp (phổ biến). Cho nên ta nói là thường, mà đó chính là Phật nói cái nghĩa Chơn vô-thường vậy. Vì các người phàm phu ngoại đạo chấp nơi tà thường, các người trong hàng Nhị thừa đối với thường cho là vô thường, chỗ mê chấp của hai phái cộng thành tám điều trái ngược (điên đảo), cho nên trong giáo lý liễu nghĩa ở kinh Niết Bàn, Phật phá chỗ thiên kiến, mà nói rõ chỗ Chơn thường, Chơn lạc, Chơn ngã, Chơn tịnh.

Ngươi nay y theo lời nói (của Phật) mà lại hiểu trái nghĩa. Ngươi nhận lấy sự vô thường đoạn diệt và định chắc cái thường cứng ngắt (tử thường) mà lầm hiểu lời nói mầu nhiệm viên diệu tối hậu của Phật. Như thế, dầu xem kinh đến ngàn biến, nào có ích gì?"

 

Giảng:

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Phật tánh thì vô thường, hữu thường tức là tâm phân biệt tất cả thiện ác.

Hành Xương cho rằng Lục Tổ Ðại sư giảng sai, cho nên nói:

– Lời Hòa Thượng nói không phù hợp với kinh văn.

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Ta truyền pháp môn dùng tâm ấn tâm của Phật, ta làm sao dám trái ngược ý nghĩa kinh văn?

Hành Xương nói:

– Kinh Niết Bàn nói: Phật tánh là thường, Hòa Thượng lại nói Phật tánh là vô thường. Thiện ác chư pháp cho đến tâm Bồ đề đều là vô thường mà Hòa Thượng lại nói thường, đây hoàn toàn không tương hợp với đạo lý trong Kinh Niết Bàn. Hòa Thượng giảng như thế, khiến cho kẻ học nhân con càng thêm mê hoặc, lúc trước con chỉ có một cái nghi, nay con lại có hai cái nghi.

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Kinh Niết Bàn, ta lúc trước từng nghe Tỳ kheo ni Vô Tận Tạng tụng qua một biến, ta đã vì vị Tỳ kheo ni này giảng giải, không có một chữ, một nghĩa lý nào mà không khế hợp với đạo lý Kinh Niết Bàn. Cho đến hôm nay ta vì ông giảng cũng không có hai cách giảng, vẫn giống như lúc trước.

Hành Xương nói:

– Học nhân học thức mê mờ kém cỏi, cúi mong Hòa Thượng khai thị cho con.

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Ông biết không! Phật thuyết Phật tánh là thường là đối với những người chấp trước vô thường mà nói. Phật thuyết hữu thường là vì những người chấp trước vô thường mà nói. Nếu ông nói Phật tánh là thường, thì đâu có các pháp thiện ác gì để có thể nói? Phật tánh nếu thường thì tất cả chúng sanh đã sớm thành Phật, cần gì phải thuyết pháp độ họ? Tại sao cùng tận bao nhiêu đại kiếp, cũng không có ai chân chánh phát Bồ đề tâm? Nếu thường, thì ai cũng nên phát Bồ đề tâm, mọi người đều sớm thành Phật đạo, cho nên tôi mới nói: Phật tánh vô thường. Tại sao vậy? Nếu thường, tất cả chúng sanh đều không cần tu hành mà vẫn có thể thành Phật. Cho nên ta nói vô thường, đúng là phù hợp với đạo lý chân thường bất diệt của Phật thuyết, ông hiểu không?

Lại nữa, nếu như tất cả vạn pháp đều vô thường, thì tất cả vạn loại đều có tự tánh, chúng nó đã có tự tánh, sao lại thọ sanh tử? Nếu mỗi vật đều có tánh chân thường, nó sẽ không phổ biến tồn tại ở bất cứ chỗ nào. Tôi nói với ông thường, chính là Phật nói cái nghĩa chân vô thường. Muốn giảng thường và vô thường, đây đều không phải là Phật tánh, vì Phật tánh không phải thường, không phải vô thường, đó mới là trung đạo liễu nghĩa. Tại sao nay Lục Tổ Ðại sư nói: "Phật tánh là vô thường, tất cả tâm phân biệt thiện ác chư pháp là hữu thường."? Bởi đây đều là đối trị chấp trước. Phật pháp dùng để đối trị tất cả chấp trước của chúng sanh. Nếu quý vị đem chấp trước này phá đi, thì không cần đến Phật pháp. Phật pháp không phải thường, không phải vô thường. Lục Tổ Ðại sư đối cơ thuyết pháp, đối với Trương Hành Xương cần phải nói pháp này, chớ không phải đối với mọi người đều thuyết như thế. Lục Tổ Ðại sư nói với Hành Xương, phàm phu ngoại đạo chấp trước tà thường, nhị thừa Thinh văn, Duyên giác nơi thường lại cho là vô thường, cộng thành tám loại điên đảo. Vốn là bốn loại điên đảo, chỉ vì tư tưởng con người không giống nhau, thân phận không giống nhau, hai loại căn tánh người cộng thành tám loại điên đảo. Phàm phu lấy khổ làm lạc, không phải thường lại cho là thường, không phải tịnh cho là tịnh, không phải ngã lại cho là ngã. Tất cả đạo lý đều do người mà luận, quý vị nói nó thường cũng được, quý vị nói nó không thường cũng được. Nhưng phàm phu nói không phải thường tức là thường, không phải lạc cho là lạc, không phải ngã họ lại chỉ là ngã, không phải tịnh họ cho là tịnh, đây là bốn loại điên đảo của phàm phu.

Bốn loại điên đảo của Nhị thừa: lạc, thì họ cho là khổ; thường, nói là không thường; ngã, nói vô ngã; tịnh, nói bất tịnh. Cho nên hợp lại thành ra tám loại điên đảo.

Cho nên Phật ở trong Kinh Niết Bàn liễu nghĩa giáo, thuộc về vị đề hồ viên diệu. Nó phá biên kiến của phàm phu và nhị thừa và minh hiển nói ra đạo lý cái gì là chân thường, chân lạc, chân ngã, chân tịnh. Ông nay y theo lời Phật nói mà ngược lại giáo nghĩa Phật thuyết. Ông lấy sự vô thường đoạn diệt và cái thường cứng ngắt, dùng tri kiến phàm phu giải thích sai lầm giáo lý tối vi diệu, tối viên mãn do Ðức Phật thuyết ra. Dù ông xem kinh Niết Bàn một ngàn lần có lợi ích gì đâu?

 

Hành Xương, hốt nhiên đại ngộ, liền nói kệ rằng:

Vì giữ tâm vô thường,

Phật nói có tánh thường.

Không biết được phương tiện,

Như ao xuân lượm sỏi.

Tôi nay công chẳng dụng,

Mà Phật tánh hiện tiền.

Không phải Thầy trao cho,

Tôi cũng không sở đắc.

Ðại sư lại nói: "Ngươi nay đã suốt thấu, nên đặt tên là Chí Triệt."

Chí Triệt làm lễ tạ ơn, rồi lui ra.

 

Giảng:

Hành Xương nghe Lục Tổ Ðại sư thuyết như thế, hốt nhiên khai ngộ, vì thế cũng nói ra một bài kệ tụng:

– Vì con chấp thủ tâm vô thường, mà Phật nói đây là tánh hữu thường, con không hiểu lời Phật nói là pháp phương tiện, đó giống như trong hồ nước mùa xuân nhặt lên hòn đá nhỏ, có ích dụng gì đâu! Nhưng nay con không có dụng công phu gì, chỉ phản bổn hoàn nguyên trở về quê hương của mình. Phật tánh viên mãn hiện tiền, lập tức minh tâm kiến tánh khai ngộ. Khai ngộ của con không phải Tổ Sư dạy bảo truyền trao cho con. Con tuy đã khai ngộ, nhưng không có một chút sở đắc, đây là trí huệ vốn có của con, cho nên một pháp cũng không đắc.

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Ông nay đã khai ngộ. (Ðây là Lục Tổ Ðại sư ấn chứng cho Hành Xương). Ta nay đổi tên cho ông là Chí Triệt được không? Ông thích tên này không?

Chí triệt nói:

– Tên này thật hay, con tạ ơn Tổ Sư.

Rồi khấu đầu đảnh lễ lui về một bên.

 

Có một gã đồng tử tên là Thần Hội, con nhà họ Cao, ở huyện Tuyên Dương, mười ba tuổi, từ chùa Ngọc Tuyền đến làm lễ Ðại sư.

Sư hỏi: "Thiện tri thức ở phương xa đến, thật là khó nhọc mà có đem đặng cái gốc đến chăng? Nếu có gốc thì phải biết ông Chủ. Hãy nói thử ta nghe."

Thần Hội bạch: "Lấy không trụ làm gốc, thấy tức là Chủ."

Sư nói: "Gã Sa-di này tranh chỗ đối chiếu mà nói bướng."

Thần Hội bèn hỏi: "Hòa Thượng ngồi thiền, thấy hay chẳng thấy?"

Sư lấy gậy đánh (Thần Hội) ba gậy mà hỏi rằng: "Ta đánh ngươi đau hay chẳng đau?"

Ðáp: "Cũng đau mà cũng chẳng đau."

Sư nói: "Ta cũng thấy mà cũng chẳng thấy."

Thần Hội hỏi: "Cũng thấy mà cũng chẳng thấy, nghĩa là sao?"

Sư nói: "Ta thấy là thường thấy tội lỗi của tâm mình, mà chẳng thấy các điều phải quấy, tốt xấu, của người. Bởi vậy cũng thấy mà cũng chẳng thấy. Ngươi nói cũng đau mà cũng chẳng đau, nghĩa là sao? Nếu ngươi chẳng biết đau, thì đồng với loài cây đá, còn biết đau thì đồng với kẻ phàm phu, liền sanh giận hờn. Cứ như chỗ ngươi hỏi trước: Thấy hay chẳng thấy là chấp hai bên. Chỗ ngươi nói: Cũng đau mà cũng chẳng đau, ấy là còn sanh diệt. Cái tự tánh của ngươi mà ngươi chẳng thấy, sao dám đùa cợt người?"

Thần Hội lạy và ăn năn xin lỗi.

 

Giảng:

Có một đồng tử, đồng tử này không phải đứa trẻ tầm thường, là đồng tử vì pháp quên thân, vì pháp không từ nặng nhọc khổ cực, tên là Thần Hội, là con của một người họ Cao tại Tương Dương Hồ Bắc, mười ba tuổi từ chùa Ngọc Tuyền của Thần Tú Ðại sư ở Hà Bắc xa xôi đến tham bái đảnh lễ Lục Tổ Ðại sư. Ðồng tử này tuy nhỏ, nhưng ôm chí lớn, tâm lượng quảng đại. Thần Hội ở chỗ Thần Tú Ðại sư, vừa nhìn liền biết Thần Tú Ðại sư chưa chân chánh hiểu rõ Phật pháp. Cho nên đi đến Quảng Ðông, có hơn một hai ngàn dặm đường. Thần Hội đi đường, hai chân sưng phồng, thậm chí để chân không mà đi, da thịt bị đá gạch đâm chảy máu, cho nên dùng y phục bao chân, rồi tiếp tục đi, đi cả mấy ngàn dặm đường, mà xem như không có việc gì xảy ra; cho nên khi gặp Lục Tổ Ðại sư, Lục Tổ thấy Thần Hội, một đứa bé y phục rách nát, chân sướt máu chảy, cực khổ như thế. Thần Hội khấu đầu đảnh lễ Lục Tổ Ðại sư, Lục Tổ hỏi:

– Thiện tri thức! (Lục Tổ Ðại sư đối với một đứa bé cũng gọi là Thiện tri thức). Con từ xa xôi đến đây, đi đường quá vất vả, quá gian nan, con đã nhận thức được bổn lai diện mục chưa? Nếu con đã thấy được bổn lai diện mục, minh tâm kiến tánh, thì con nên nhận biết ông chủ – tức Phật tánh, nay con thử nói xem!

Ðồng tử này rất nghịch ngợm, cho nên chú ta nói:

– Con lấy vô sở trụ là bổn lai diện mục của con, mà kiến tánh của con chính là ông chủ.

Lục Tổ Ðại sư nghe Thần Hội nói như thế liền giáo huấn:

– Chú Sa-di này! Chú chỉ biết học lời nói của người ta, thật là lỗ mãng, không biết mà cho là biết, không rõ mà cho là rõ, không thấy mà cho là thấy, chính là học khẩu đầu thiền của người. Chú chỉ học những lời dư thừa của người, người ta nói xong chú lại nói, mà không phải từ trong tự tánh của chú phát xuất ra, đây gọi là thủ thứ ngữ (giữ chấp lời của người).

Thần Hội gan không phải nhỏ, chú dám cùng Lục Tổ tranh biện:

– Bạch Hòa Thượng! Lúc Ngài ngồi thiền thấy hay không thấy?

Quý vị xem chú dám hỏi ngược lại Lục Tổ Ðại sư, chú đồng tử này thật nghịch ngợm không dễ giáo hóa. Chú hỏi thấy không thấy như thế, Lục Tổ Ðại sư là vị Tổ Sư, đương nhiên không thể chấp vào những lời nói của chú, liền cầm gậy đánh cho ba gậy, hỏi:

– Ta đánh chú, chú có đau hay không?

Không biết Thần Hội lúc đó có sợ hay không. Bị Lục Tổ Ðại sư đánh cho ba gậy không biết có khóc hay không nữa?

Thần Hội trả lời:

– Con cũng đau cũng không đau.

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Chú hỏi ta ngồi thiền thấy hay không. Ta cũng thấy cũng không thấy.

Thần Hội lại hỏi:

– Cái gì gọi là cũng thấy cũng không thấy?

Lục Tổ trả lời:

– Cái gì là thấy? Ta thường thấy vọng tưởng trong tâm mình. Lúc có vọng tưởng, liền lập tức đình chỉ nó. Cái gì gọi không thấy? Ta không thấy thị phi tốt xấu của người khác. Quý vị học Phật pháp đều phải chú ý chỗ này, nên cũng thấy cũng không thấy, nên thấy lỗi lầm của mình, không nên thấy lỗi lầm của người khác. Cái gì là: "Nó không tốt, nó không đúng, oan nghiệt của nó, tội của nó." Quý vị không nên canh cửa cho người khác, giống như chó giữ nhà. Mình cái gì cũng không có, mà chỉ canh cửa cho người khác.

Không nói thị phi xấu tốt của người, cho nên ta nói cũng thấy cũng không thấy. Chú nói cũng đau cũng không đau, giải thích như thế nào? Ta đánh chú nếu chú không đau thì giống như cây cỏ đá gạch. Nếu chú đau thì giống như phàm phu, chưa được khai ngộ. Chú đau thì sanh phiền não sân hận, nổi nóng giống như lửa. Chú hỏi thấy và không thấy, đó là đạo lý hai bên (nhị biên). Ta hỏi chú đau hay không đau là pháp sanh diệt. Chú vẫn chưa nhận biết được kiến tánh của mình! Lại lớn gan dám lại trêu chọc người, cùng người tranh biện.

Thần Hội nghe xong liền biết đạo lý mình nói ra không cứu cánh, không viên mãn, cho nên khấu đầu đảnh lễ, sám hối nhận tội.

 

Sư nói: "Nếu ngươi vì tâm mê, chẳng thấy tánh mình, thì hỏi bực Thiện tri thức mà tìm đường Chánh giác. Còn nếu ngươi tỏ sáng, tự thấy tánh mình, thì y theo pháp mà tu hành. Ngươi tự mê, chẳng thấy tâm mình, trở lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy. Ta thấy, tự ta biết, há thế cái mê của ngươi được sao? Còn nếu ngươi tự thấy cũng chẳng thế cái mê của ta được. Sao chẳng tự biết tự thấy (tâm tánh của mình), lại hỏi ta thấy cùng chẳng thấy?"

Thần Hội làm lễ một lần nữa, lạy Tổ Sư hơn trăm lạy, xin tha tội lỗi, lại cần mẫn theo hầu hạ Lục Tổ chẳng rời.

 

Giảng:

Nếu như tâm chú không hiểu rõ, chưa kiến tánh, chú nên thỉnh giáo nơi Thiện tri thức cách thức tu hành, cách thức dụng công, nếu như đã khai ngộ có thể nhận biết được Bổn tâm, kiến tự Bổn tánh, thì nên y pháp tu hành. Chú nay tự mình mê lầm không biết Bổn tâm của mình, chú lại hỏi ta thấy và không thấy? Ta kiến tánh hay không kiến tánh, tự ta biết, ta làm sao có thể thay thế sự mê lầm của chú. Cái mê của chú, ta thế không được! Nếu chú tự kiến tánh, chú cũng không thay thế được cái mê của ta. Tại sao chú không tự mình hồi quang phản chiếu, tự biết mình thấy hay không thấy? Nay chú giong ruổi bên ngoài tìm cầu, cùng ta đấu cơ phong, hỏi ta thấy hay không thấy, ta thấy hay không thấy có quan hệ gì đến chú?

Thần Hội nghe xong biết mình thật sai lầm, sao dám lớn gan như thế! Không tự lượng sức mình! Cho nên nói: "Trước cửa thánh nhân bán Bách Tánh," đến trước cửa của Khổng Phu Tử rao bán sách Bách Gia Tánh, nói sách của tôi là có giá trị nhất, các ông có ai mua không? Có câu: "Ban môn lộng phủ," múa búa trước Lỗ Ban. Thần Hội sám hối, đảnh lễ hơn trăm lạy:

– Kính mong Ðại sư tha thứ cho con, con đã sai lầm. Con là đứa trẻ còn khờ khạo, không biết trời cao đất dầy.

Sau khi trước mặt Ðại sư nhận tội, Thần Hội bèn ở lại làm công quả. Tất cả những công việc nặng nhẹ gì Thần Hội đều làm hết, ngày ngày theo Lục Tổ Ðại sư nghe kinh thính pháp, làm thị giả cho Lục Tổ. Trong những môn đồ của Lục Tổ Ðại sư, Thần Hội tuổi nhỏ nhất, mà cũng nghịch ngợm nhất.

 

Một ngày kia Ðại sư bảo đồ chúng rằng: "Ta có một vật không đầu không đuôi, không tên không chữ, không lưng không mặt, các ông biết chăng?"

Thần Hội bước ra bạch rằng: "Ấy là cái bổn nguyên của chư Phật, là cái Phật tánh của Thần Hội."

Sư nói: "Ta đã nói với ngươi, vật không tên không chữ, ngươi lại kêu là Bổn nguyên, là Phật tánh! Hãy đi lấy cỏ tranh che đầu, ngươi chỉ có thể thành một tông đồ tri giải mà thôi."

Sau khi Tổ Sư tịch rồi, Thần Hội vào thành Lạc Dương mở rộng môn Ðốn giáo Tào Khê làm sách Hiển Tông Ký, truyền bá ở thế gian rất thạnh hành. Người đời tôn xưng là Hà Trạch Thiền sư.

 

Giảng:

Một ngày nọ Lục Tổ Ðại sư nói với đại chúng:

– Tôi có một vật, các ông đoán coi là cái gì? Nó không có đầu cũng không có đuôi, không có danh cũng không có tự. (Giống như An Từ là tên của tôi, Ðộ Luân là tự của tôi, Tuyên Hóa là pháp danh). Không có lưng cũng không có mặt, các ông có biết vật này không?

Mọi người đều im lặng không có lời đáp, bất luận có biết hay không biết, đều không lên tiếng. Mà chú bé Thần Hội này khi thấy mọi người không lên tiếng bèn chạy ra nói:

– Vật này con biết, đó là bổn nguyên của Chư Phật, Phật tánh của Thần Hội.

Lục Tổ Ðại sư nói:

– Tôi đã nói với chú rồi! Nó không có danh cũng không có tự. Tại sao chú lại kêu nó là Bổn nguyên, là Phật tánh? Chú đến bên kia lấy cỏ tranh che đầu cho xong. Chú là đứa bé, chỉ có thể trở thành một môn đồ có tri giải thiền tông, chú chưa có chân chánh hiểu rõ.

Tuy là một trận la rầy, nhưng sự thật đó là ấn chứng. Nói chú là tri giải tông đồ, giai đoạn này cũng đã rất khó làm được.

Sau khi Lục Tổ Ðại sư viên tịch nhập Niết Bàn, Thần Hội liền đến kinh thành Lạc Dương, phát dương rộng lớn đốn giáo Tào Khê, trước tác Hiển Tông Ký – thuyết minh hai tông Nam Bắc, thuyết minh Nam tông Lục Tổ Ðại sư là Tổ Sư chân chánh, mà Bắc tông Thần Tú Ðại sư là Tổ Sư giả vì không được truyền pháp tâm ấn, cho nên Thần Tú là Tổ Sư ngụy tạo. Sách này lưu thông rộng rãi, thạnh hành ở đời. Nếu không phải Ðại sư Thần Hội trước tác Hiển Tông Ký, sợ rằng đồ đảng của Thần Tú sẽ đoạt đi danh hiệu của Lục Tổ Ðại sư, nhưng vì có "Hiển Tông Ký," nên Thần Tú không dám giả mạo nữa. Pháp sư Thần Hội còn có biệt hiệu là Hà Trạch Thiền Sư, Hà Trạch là nơi Ngài cư trú.

 

Ðại sư thấy môn đồ các phái nạn vấn Ngài, đều khởi tâm ác, bọn họ đa số nhóm tập dưới tòa của Sư. Ngài động lòng thương mà bảo rằng: "Người học Ðạo, thì cả thảy niệm thiện niệm ác đều phải bỏ hết. Không tên có thể gọi, ấy là gọi là tự tánh. Cái tánh không hai, ấy gọi là Thực tánh. Do nơi Thực tánh mà lập ra cả thảy giáo môn. Vậy ngay lời này liền phải tự thấy."

Mọi người nghe nói, cả thảy đều làm lễ, xin thờ Ðại sư làm thầy.

 

Giảng:

Lúc đó không chỉ đồ đảng của Thần Tú muốn sát hại Lục Tổ Ðại sư mà các tông phái khác như Duy thức tông, Pháp Hoa tông, trưởng lão của các tông đều phái người đến khảo nghiệm Ngài, người này đưa ra vấn đề khó để hỏi, chỗ kia cũng đưa ra vấn đề khó khăn để thử thách, như có người hỏi:

– Phật trước Pháp sau hay là Pháp trước Phật sau, Phật pháp từ đâu sanh ra?

Lục Tổ Ðại sư trả lời:

– Ông có thể thuyết pháp đó là Phật trước Pháp sau. Nếu ông có thể nghe pháp, đó là Pháp trước Phật sau. Phật pháp từ trong chúng sanh sanh ra.

Họ vấn nạn nhiều câu, Lục Tổ Ðại sư đều trả lời cho họ, nhưng nhìn thấy tình hình có nhiều phiền phức như thế. Những người đến vấn nạn đều khởi ác tâm đối với Lục Tổ Ðại sư – đều muốn giết Ngài hoặc đầu độc Ngài. Quý vị xem, làm một vị Tổ Sư thì có nhiều người phản đối Ngài như thế. Những kẻ ác này – gián điệp, đều đến đây ở, tụ tập trong môn hạ của Ngài, như thế để dễ ám hại Ngài.

Lục Tổ Ðại sư nhìn thấy tình hình như thế, liền sanh lòng thương xót, nói với đại chúng:

–Chúng ta là người tu đạo, không nên có niệm ác niệm thiện, cần nên đoạn trừ đừng để sót, không cho tồn tại, ngay một danh tướng cũng không có, cái này gọi là tự tánh. Tự tánh chính là bất nhị, tánh bất nhị cũng chính là Thực tánh, cũng gọi Thực tướng. Trên Thực tướng mới có thể thành lập tất cả giáo môn, Thực tướng không phải ở miệng nói mà thôi, tôi nay đang nói Thực tướng này, các ông lập tức chứng đắc lý thể của Thực tướng này, như thế mới được.

Tất cả người xuất gia nghe nói ngay cái niệm thiện ác cũng không còn mà họ đến đây với ý đồ sát hại Lục Tổ hoặc làm đặc vụ tình báo, đây đều là niệm thiện ác. Nghe Lục Tổ Ðại sư giảng như thế, họ được tỏ thấu, cho nên đều khấu đầu đảnh lễ:

– Chúng con xin sửa đổi lỗi lầm, cải hóa tự tân, từ đây hoàn toàn thành con người mới, chúng con xin kính bái Ðại sư làm Sư phụ chúng con.

 



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét